Toàn cảnh Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025
Năm 2025 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ XI; năm diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước, dân tộc: Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9; năm có ngày kỷ niệm năm tròn chẵn của hầu hết các cơ quan. Đây cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tạo tiền đề phấn đấu thực hiện kế hoạch 5 năm (2026 - 2030).
Tổ chức thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm
Tỉnh Thái Nguyên phát động Đợt thi đua đặc biệt đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết năm 2025 nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2024, năm 2025 và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Trong đó, yêu cầu các đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, đặc biệt là Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 24/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 25/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trọng điểm, mang tính liên vùng; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Xác định rõ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nội dung và phương thức tổ chức phong trào thi đua, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, từng địa phương, từng lĩnh vực công tác. Gắn phong trào thi đua của tỉnh với các phong trào thi đua trọng tâm đang được triển khai trong phạm vi cả nước: “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025”; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; “Thực hiện cải cách hành chính” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2025; “Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số” giai đoạn 2021-2025; “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”; “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”…
Thái Nguyên đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. (Ảnh minh hoạ)
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò, trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể và người đứng đầu trong việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến để động viên, biểu dương, khen thưởng, tạo không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ các tập thể, cá nhân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm nguyên tắc khen thưởng chính xác, công khai, công bằng, kịp thời, có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Chú trọng khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người lao động trực tiếp, vùng sâu, vùng xa, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.
Thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động kỷ niệm và việc tổ chức hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các tổ chức Đảng, cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp về các phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh, làm cho phong trào thi đua yêu nước thực sự trở thành phong trào mang tính tự giác, thường xuyên đối với mỗi tập thể, cá nhân, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao./.